BS CK1 Nguyễn Văn Tùng (Bệnh viện K)
Về quyển sách này
Quyển sách này giải thích về liệu pháp xạ trị, khi nào cần xạ trị, các bước tiến hành và các tác dụng phụ có thể xảy ra. Cuốn sách Điều trị ung thư vú nguyên phát sẽ giúp bạn có một cách nhìn tổng quan về ung thư vú và điều trị ung thư vú.
Liệu pháp xạ trị là gì?
Xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Xạ trị được thực hiện để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư vú nào còn sót lại trong vú và khu vực xung quanh sau phẫu thuật. Xạ trị như vậy gọi là xạ trị bổ trợ.
Quyển sách này nói về xạ trị cho ung thư vú nguyên phát mà chưa phát triển vượt qua vú hoặc các hạch bạch huyết dưới cánh tay (hay hạch nách).
Khi nào cần xạ trị?
Xạ trị được thực hiện sau phẫu thuật để làm giảm nguy cơ ung thư quay trở lại.
Nếu bệnh nhân cần điều trị hóa trị sau phẫu thuật thì xạ trị thường được thực hiện sau hóa trị.
Nếu bệnh nhân không cần điều trị hóa trị, xạ trị sẽ thường bắt đầu từ 4 tới tám tuần sau phẫu thuật.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ giải thích cho bệnh nhân về thời điểm bắt đầu xạ trị.
Xạ trị có thể được trì hoãn vì lý do y khoa, ví dụ nếu bệnh nhân cần chờ vết thương lành hoặc nếu bệnh nhân bị tụ dịch (hình thành dưới vết mổ sau phẫu thuật).
Xạ trị có thể không phù hợp nếu:
- Bệnh nhân đã xạ trị cùng khu vực trước đó
- Bệnh nhân đã được xác định là có tình trạng đặc biệt nhạy cảm với ảnh hưởng của xạ trị
- Bệnh nhân đang mang thai.
- Bệnh nhân có gen đột biến TP53.
Khu vực nào được điều trị?
Khi quyết định xạ trị vào những khu vực nào và xạ trị như thế nào, bác sĩ sẽ xem xét các yếu tố như là vị trí, độ mô học, kích thước và giai đoạn của ung thư.
Bạn có thể thấy thêm thông tin về quyết định điều trị trong quyển sách Hiểu về kết quả giải phẫu bệnh.
Sau phẫu thuật bảo tồn vú
Sau phẫu thuật bảo tồn vú bệnh nhân sẽ được xạ trị vào khu vực mô vú còn lại ở cùng bên mổ.
Bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét chỉ xạ ở khu vực mà khối u vú đã được cắt bỏ hơn là xạ trị toàn vú, gọi là xạ trị bán phần. Có thể cân nhắc xạ trị bán phần nếu khối u có nguy cơ tái phát thấp và bệnh nhân sẽ uống thuốc nội tiết trong ít nhất 5 năm.
Những người có nguy cơ tái phát rất thấp có thể không cần xạ trị sau phẫu thuật bảo tồn vú. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận với bệnh nhân về yếu tố nguy cơ và giải thích xạ trị có cần hay không.
Sau phẫu thuật đoạn nhũ
Nếu bệnh nhân được phẫu thuật đoạn nhũ do ung thư vú xâm lấn thì bác sĩ chuyên khoa có thể khuyến nghị xạ trị vào thành ngực.
Xạ trị có thể được thực hiện nếu:
- Khối u ung thư lớn hoặc gần với thành ngực.
- Có nguy cơ cao các tế bào ung thư có thể còn sót lại sau phẫu thuật
- Các tế bào ung thư được tìm thấy ở hạch bạch huyết ở vùng nách
- Bệnh nhân mắc ung thư vú thể viêm
Nếu bệnh nhân muốn tạo hình vú, thì xạ trị có thể ảnh hưởng tới thời điểm và phương pháp tái tạo. Đề nghị xem quyển Tạo hình vú để có thêm thông tin.
Xạ trị vào hạch bạch huyết
Có thể xạ trị vào hạch nách để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư có thể còn hiện diện ở đó.
Cũng có thể xạ trị vào các hạch bạch huyết ở nền cổ xung quanh xương đòn, hoặc vào khu vực gần với xương ức.
Nếu có khuyến nghị xạ trị vào hạch bạch huyết thì bác sĩ chuyên khoa sẽ giải thích lý do.
Xạ trị được thực hiện thế nào?
Xạ trị có thể được thực hiện theo nhiều cách và bằng cách sử dụng các liều khác nhau.
Tổng liều xạ trị được chia thành các đợt điều trị nhỏ hơn, gọi là các phân liều.
Xạ trị được thực hiện bởi kỹ thuật viên xạ trị, là những người được đào tạo để thực hiện xạ trị.
Không phải mọi bệnh viện đều có thể xạ, nhưng mỗi trung tâm điều trị vú đều có liên kết với một bệnh viện có khoa xạ trị.
Thông thường bệnh nhân sẽ được xạ trị tại bệnh viện như là bệnh nhân ngoại trú.
Xạ trị chùm tia ngoài (EBRT)
Xạ trị chùm tia ngoài là loại xạ trị phổ biến nhất được sử dụng để điều trị ung thư vú nguyên phát.
Tia X được máy phát ra hướng chùm tia phóng xạ vào vú.
Tia X trong liệu pháp xạ trị chùm tia ngoài không làm bệnh nhân nhiễm phóng xạ nên khi bệnh nhân rời phòng đặt máy, bệnh nhân có thể tiếp xúc an toàn với những người khác kể cả trẻ em.
Xạ trị điều biến liều (IMRT)
Xạ trị điều biến liều (IMRT) là cách khác để thực hiện xạ trị chùm tia ngoài.
Liều (cường độ) của liệu pháp có thể biến động (điều biến), cho phép các lượng phóng xạ khác nhau sẽ được đưa tới các khu vực khác nhau.
IMRT không có ở tất cả các trung tâm xạ trị.
Xạ trị cung điều biến thể tích (VMAT)
Đây là một loại IMRT. Máy xạ trị quay tròn xung quanh khu vực được điều trị, liên tục thay đổi hình dạng và cường độ của chùm tia phóng xạ.
Các phương thức xạ trị khác
Các kiểu xạ trị sau không được dùng phổ biến và không sẵn có nhưng có thể được thảo luận.
Xạ trị trong mổ
Xạ trị trong mổ sử dụng tia X năng lượng thấp được phóng ra từ máy trong phòng mổ trong khi phẫu thuật bảo tồn vú.
Xạ trị được đưa trực tiếp lên khu vực bên trong cơ thể tại đó có ung thư một khi ung thư đã được loại bỏ. Thường thì một liều phóng xạ được đưa tới trong một lần điều trị, nhưng có thể cần đợt điều trị ngắn xạ trị chùm tia ngoài (EBRT) cho phần còn lại của vú.
Xạ trị trong mổ không phù hợp cho tất cả mọi người và không phải là điều trị chuẩn.
Xạ trị áp sát
Xạ trị áp sát gồm đặt một nguồn phóng xạ bên trong cơ thể trong khu vực được điều trị.
Các ống rỗng, hẹp hoặc một quả bóng nhỏ được đưa vào cơ thể tại vị trí mô vú đã được loại bỏ. Các dây phóng xạ được luồn vào qua các ống hoặc vào trong quả bóng. Các dây phóng xạ có thể được giữ lại ở vị trí này trong vài ngày hoặc được đặt lại trong khoảng thời gian ngắn mỗi ngày. Các ống hoặc các quả bóng được lấy ra sau khi kết thúc xạ trị.
Phụ thuộc vào loại xạ trị áp sát được thực hiện, bệnh nhân có thể cần được điều trị nội trú và được nằm trong phòng riêng trong thời gian ngắn do có phóng xạ.
Xạ trị áp sát hiện chỉ được thực hiện trong thử nghiệm lâm sàng. Nếu xạ trị áp sát là một lựa chọn thì bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận đầy đủ với bệnh nhân.
Xạ trị kéo dài bao lâu?
Xạ trị thường được thực hiện hàng ngày trong một tới ba tuần. Xạ trị được thực hiện từ thứ hai tới thứ sáu, nghỉ hai ngày cuối tuần. Hầu hết các bệnh viện không thực hiện xạ trị vào các ngày lễ.
Bệnh nhân có thể được xạ trị dài hơn nếu cần xạ trị bổ sung.
Phụ thuộc vào hướng dẫn ở từng cơ quan sở tại và tình trạng của bệnh nhân, xạ trị có thể được thực hiện theo cách khác nhau một chút. Ví dụ bệnh nhân có thể có liều hàng ngày nhỏ hơn trong thời gian dài hơn.
Bác sĩ chuyên khoa sẽ giải thích bệnh nhân sẽ cần xạ trị trong bao lâu và lý do tại sao.
Lịch xạ trị có thể được bố trí vào cùng thời gian mỗi ngày để bệnh nhân có thể sắp xếp thành thường quy nhưng không phải luôn luôn thế được.
Nếu bạn có ngày nghỉ lễ đã đặt trước, hãy nói với bác sĩ chuyên khoa của bạn hoặc nhân viên xạ trị để cùng quyết định nên thực hiện điều gì.
Điều quan trọng là tham dự tất cả các buổi xạ trị và tránh sự gián đoạn nhiều nhất có thể.
Trước khi bắt đầu điều trị
Bác sĩ chuyên khoa sẽ giải thích chi tiết về điều trị, lợi ích, nguy cơ và các tác dụng phụ tiềm tàng. Sau đó bệnh nhân sẽ được yêu cầu ký bản cam kết.
Có thể có một số câu hỏi mà bệnh nhân muốn hỏi bác sĩ điều trị – chúng tôi đã đưa ra danh sách các gợi ý trong quyển sách này.
Tại buổi gặp mặt đầu tiên, bệnh nhân có thể được hỏi liệu họ có muốn tham gia vào thử nghiệm lâm sàng hay không.
Các câu hỏi bạn có thể muốn hỏi bác sĩ điều trị
|
Lập kế hoạch điều trị
Lập kế hoạch điều trị giúp nhận diện khu vực chính xác cần điều trị và liều phóng xạ có hiệu quả nhất, trong khi hạn chế lượng phóng xạ tới các mô xung quanh.
Một lần chụp cắt lớp vi tính thường được sử dụng để lập kế hoạch điều trị..
Lập kế hoạch xạ trị sẽ mất khoảng 15 phút tới một giờ.
Bệnh nhân cần nằm yên trong khi hai tay giơ lên phía trên đầu và tì vào bệ đỡ tay. Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu chỉ nâng cánh tay phía cần xạ trị. Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu hít sâu nín thở trong một thời gian ngắn.
Nếu bạn có đặt máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim (ICD), hoặc bạn nghĩ bạn có thể đang mang thai thì hãy nói với bác sĩ điều trị trước buổi hẹn lên kế hoạch điều trị.
Đánh dấu khu vực xạ trị
Khi khu vực xạ trị đã được quyết định thì điều quan trọng là định vị chính xác trước mỗi lần điều trị.
Việc này thực hiện bằng cách đánh dấu bằng mực không phai (xăm) lên da bệnh nhân ba dấu chấm nhỏ. Một số phụ nữ thích các chấm xăm được loại bỏ sau khi kết thúc điều trị. Tuy nhiên loại bỏ mực xăm không phải là thường quy và các kết quả có thể biến động.
Ở một số bệnh viện có sử dụng các kỹ thuật mới hơn để đánh dấu khu vực cần xạ trị. Tuy nhiên các kỹ thuật này chưa phổ biến. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận điều này nếu nó là một lựa chọn cho bệnh nhân.
Phục hồi cử động của tay
Điều quan trọng là bệnh nhân phục hồi được cử động của tay sau phẫu thuật và có thể nâng cánh tay một cách thoải mái lên phía trên đầu trước khi bắt đầu xạ trị, để có thể xạ trị cho toàn bộ vú hoặc vùng ngực.
Sau phẫu thuật có thể khó giơ tay lên trên đầu và giữ tay ở tư thế đó hoặc bệnh nhân thấy đau khi làm việc này. Bệnh nhân sẽ được cho tập các bài tập để giúp phục hồi cử động của cánh tay và vai. Nếu không cải thiện được cử động của cánh tay và vai thì bệnh nhân nên trao đổi với với điều dưỡng hoặc đề nghị được gặp chuyên viên vật lý trị liệu. Bệnh nhân cũng có thể uống thuốc giảm đau trước mỗi lần đi xạ trị để giúp cảm thấy dễ chịu hơn khi họ giữ tay cố định khi xạ trị.
Quyển sách Các bài tập sau phẫu thuật ung thư vú có thể giúp bạn hồi phục cử động của tay và vai sau phẫu thuật.
Trong khi điều trị
Một khi hoàn thành việc lên kế hoạch và đánh dấu khu vực xạ trị, kỹ thuật viên xạ trị sẽ bố trí khi nào bệnh nhân đến cho buổi xạ trị đầu tiên.
Vào vị trí
Bệnh nhân sẽ được yêu cầu cởi bỏ áo xuống đến thắt lưng và bệnh nhân sẽ được đưa cho một áo choàng để mặc. Mặc một cái áo dễ cởi ra và mặc vào có thể tốt hơn.
Bệnh nhân sẽ nằm lên bàn điều trị, hai tay giơ lên phía trên đầu. Kỹ thuật viên xạ trị sẽ điều chỉnh áo choàng để cho khu vực được điều trị lộ ra. Họ sẽ giúp định vị bệnh nhân cẩn thận, để mỗi lần được xạ trị bệnh nhân ở cùng vị trí chính xác như trong kế hoạch điều trị.
Xạ trị
Bệnh nhân sẽ cần nằm yên trong khi xạ trị, nhưng bệnh nhân có thể thở bình thường trừ khi được yêu cầu thực hiện kỹ thuật hít sâu nín thở (xem dưới đây). Xạ trị chỉ mất vài phút.
Việc xạ trị vào khu vực vú hoặc thành ngực thường được thực hiện từ nhiều góc khác nhau. Nhân viên kỹ thuật xạ trị sẽ định lại vị trí của máy cho mỗi góc.
Máy xạ trị phát ra tiếng kêu u u khi đang hoạt động. Máy có thể đi tới gần bệnh nhân và thậm chí chạm vào bệnh nhân. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ không cảm thấy đang được xạ trị. Bệnh nhân có thể cảm thấy hơi không thoải mái một chút khi nằm mãi ở cùng tư thế.
Mặc dù bệnh nhân nằm một mình trong phòng, các camera sẽ cho phép kỹ thuật viên xạ trị nhìn thấy bệnh nhân trên màn hình tivi. Hầu hết các phòng xạ trị cũng có hệ thống liên lạc nội bộ để bệnh nhân và kỹ thuật viên xạ trị có thể nói chuyện với nhau và dừng xạ trị nếu cần.
Kỹ thuật viên xạ trị sẽ kiểm tra xem tình trạng của bệnh nhân thế nào trước mỗi lần xạ trị. Họ cũng có thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào của bệnh nhân. Họ sẽ tư vấn cho bệnh nhân các tác dụng phụ và bố trí cho bệnh nhân gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc điều dưỡng nếu cần. Các buổi gặp bác sĩ chuyên khoa có thể được bố trí trong quá trình điều trị nên bạn có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào và thảo luận bất kỳ sự lo ngại nào.
Kỹ thuật giữ hơi thở
Hít sâu nín thở (DIBH) có thể giúp bảo vệ tim không bị ảnh hưởng bởi xạ trị ở ngực trái.
Giữ hơi thở gồm hít thở sâu và giữ yên không thở ra trong thời gian ngắn. Kỹ thuật viên xạ trị sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách giữ hơi thở thế nào và khi nào giữ hơi thở.
Nếu cần thực hiện kỹ thuật giữ hơi thở, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đơn giản và cần thời gian để thực hành kỹ thuật này.
DIBH được thực hiện cả ở buổi hẹn lên kế hoạch điều trị và mỗi lần xạ trị chùm tia ngoài (EBRT)
Không phải bệnh nhân đượcxạ trị ngực trái nào cũng cần DIBH hoặc có thể sử dụng phương pháp này và cũng có các cách khác để bảo vệ timmà bác sĩ chuyên khoa có thể nói cho bệnh nhân biết.
Xạ trị tăng cường cho vú (Breast boost – nâng liều xạ)
Bác sĩ chuyên khoa có thể đề xuất xạ trị tang cường vào khu vực tại đó ung thư vú xâm lấn đã được loại bỏ sau khi đã xạ trị toàn vú.
Xạ tăng cường được thực hiện vào lúc kết thúc điều trị, thường là 4 tới 8 lần xạ bổ sung.
Nếu bệnh nhân được xạ điều biến liều thì việc xạ thêm có thể được thực hiện bằng lên kế hoạch xạ trị để đưa ra liều cao hơn cho khu vực này đồng thời với lúc vú được xạ trị.
Các tác dụng phụ của xạ trị
Giống như bất kỳ điều trị nào, xạ trị có thể gây ra tác dụng phụ.
Mỗi người phản ứng khác nhau với điều trị và một số người gặp tác dụng phụ nhiều hơn những người khác. Các tác dụng phụ này luôn có thể kiểm soát được và những tác dụng phụ được mô tả ở đây sẽ không xảy ra với tất cả bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân lo lắng về tác dụng phụ, kể cả chưa được liệt kê ở đây, hãy nói cho bác sĩ điều trị biết.
Một số tác dụng phụ là tạm thời, nhưng một số có thể là vĩnh viễn và một số có thể xuất hiện sau khi kết thúc điều trị nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Nếu bệnh nhân uống thuốc nội tiết, bác sĩ chuyên khoa có thể gợi ý bạn chờ cho đến khi kết thúc xạ trị, để không cần phải xử trí tác dụng phụ của hai điều trị cùng lúc.
Các tác dụng phụ ngay lập tức
Các tác dụng phụ ngay lập tức có thể được gọi là tác dụng phụ sớm hoặc cấp tính. Chúng xảy ra trong khi điều trị và tới 6 tháng sau khi kết thúc điều trị.
Các phản ứng của da
Hầu hết mọi người có da đỏ lên xung quanh khu vực được xạ trị.
Da cũng có thể:
- Trở nên hồng hơn hoặc sẫm màu theo thời gian
- Cảm thấy nhạy đau hơn, khô, ngứa và đau
- Tróc da hoặc có vảy khi điều trị qua đi
- Nổi mụn nước hoặc trở nên ẩm ướt và nhiều dịch.
Phản ứng da còn được gọi là viêm da do xạ trị.
Phản ứng da thường bắt đầu trong hoặc sau xạ trị. Phản ứng da thường tệ nhất trong khoảng từ ngày 10 tới 14 ngày sau khi xạ trị. Sau thời điểm này, phản ứng da thường bắt đầu được cải thiện.
Hãy báo cho bác sĩ điều trị biết nếu bạn có phản ứng da. Hầu hết các phản ứng da đều nhẹ và sẽ lành trong vòng 3 tới 4 tuần sau lần xạ trị cuối cùng, nhưng một số có thể cần điều trị hoặc theo dõi chặt chẽ hơn. Ví dụ da nổi mụn nước hoặc bong da sẽ lâu lành hơn.
Chăm sóc da trong khi xạ trị
Điều quan trọng là chăm sóc da trong khi xạ trị.
Việc này sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn, giảm đau và giúp giữ khu vực xạ trị thấy dễ chịu.
Bạn được hướng dẫn chăm sóc da bởi bác sĩ, nhưng các mẹo nhỏ sau là điều mà hầu hết các trung tâm xạ trị tư vấn.
Lau da
Lau khu vực xạ trị nhẹ nhàng bằng nước ấm và lau da khô bằng khăn mặt mềm.
Các sản phẩm chăm sóc da
Nếu bạn muốn dùng bất kỳ thứ gì trên da trong khu vực xạ trị, hãy thảo luận với kỹ thuật viên xạ trị trước tiên. Bạn có thể tiếp tục sử dụng chất dưỡng ẩm không có Natri lauryl sulphat có thể kích ứng da, nhưng không được khuyến nghị bôi kem này ngay trước khi xạ trị. Nếu da nổi mụn nước hoặc bong da thì hãy báo cho bác sĩ chuyên khoa biết.
Bạn có thể tiếp tục sử dụng xà phòng và chất khử mùi phù hợp với da bạn, trừ khi bác sĩ điều trị nói bạn không nên dùng.
Nhiệt và lạnh
Tránh cho khu vực xạ trị tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh như là chai nước nóng, các miếng dán nhiệt, xông hơi hoặc túi gel trong khi đang điều trị.
Cẩn thận với ánh sáng mặt trời
Tránh để ánh nắng mặt trời chiếu vào khu vực xạ trị trong khi điều trị và cho tới khi bất kỳ phản ứng da nào được dịu đi.
Da trong khu vực xạ trị vẫn sẽ nhạy cảm với mặt trời trong thời gian sau xạ trị. Hãy sử dụng kem chống nắng với chỉ số bảo vệ chống nắng (SPF) cao. Thoa kem dưới quần áo càng tốt do bạn có thể bị cháy nắng qua lớp quần áo.
Bơi
Thay đổi ở da do xạ trị có thể bị kích ứng bởi clo hoặc các hóa chất trong bể bơi. Hãy nói với bác sĩ điều trị nếu bạn muốn đi bơi trong khi điều trị hoặc sau điều trị ít ngày.
Quần áo, áo ngực và quả độn ngực
Quần áo ma sát hoặc chà sát vào da có thể gây nên phản ứng da hoặc làm phản ứng da tồi đi.
Bạn luôn được khuyên không mặc áo ngực có gọng cho đến khi da lành. Mặc quần áo làm từ nguyên liệu tự nhiên, như là áo ngực hoặc gi lê mềm từ vải bông có thể thích hợp. Bạn có thể thích đi ra ngoài mà không mặc áo ngực.
Nếu bạn đã phẫu thuật đoạn nhũ và đeo quả độn ngực silicon, bạn có thể thấy đeo quả ngực giả mềm, nhẹ sẽ dễ chịu hơn. Bạn có thể tìm thấy thêm thông tin trong quyển sách Quả độn ngực, áo ngực và quần áo sau phẫu thuật.
Sưng vú
Vú hoặc khu vực ngực có thể xuất hiện chỗ sưng và cảm giác không dễ chịu. Hiện tượng này luôn giảm đi trong vòng vài tuần sau xạ trị. Nếu nó tiếp tục sau thời gian này, hãy báo cho bác sĩ điều trị do bạn có thể cần được khám và đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa phù bạch mạch.
Đau ở vú hoặc vùng ngực
Bệnh nhân có thể thấy đau, nhức hoặc đau nhói ở vú hoặc vùng ngực, thường là nhẹ. Đau có thể tiếp tục trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, nhưng thường trở nên nhẹ hơn và ít xuất hiện hơn theo thời gian.
Bệnh nhân cũng có thể thấy bị cứng và khó chịu xung quanh vai và vú hoặc khu vực ngực trong và sau điều trị. Tiếp tục tập bài tập tay và vai trong khi xạ trị và trong một vài tháng sau đó để có thể giúp làm giảm hoặc ngăn ngừa sự cứng vai hoặc sự khó chịu. Đề nghị xem quyển Các bài tập sau phẫu thuật ung thư vú để tập tay và vai, có thể làm giảm sự cứng vai và sự khó chịu.
Bạn có thể tìm thấy thêm nhiều mẹo nhỏ trong quản lý đau sau điều trị trong quyển Tiến lên phía trước.
Rụng lông nách
Xạ trị vào hốc nách sẽ làm rụng lông nách ở bên đó. Bệnh nhân cũng sẽ bị rụng lông ở khu vực ngực được xạ trị.
Lông thường bắt đầu rụng vào hai hoặc ba tuần sau khi điều trị bắt đầu và có thể mất vài tháng để mọc lại. Đối với một số người lông rụng do xạ trị có thể không bao giờ mọc lại được.
Đau họng
Nếu bệnh nhân được xạ vào xung quanh xương đòn hoặc gần xương ức thì họ có thể bị đau họng khi nuốt. Nếu bị vậy, hãy nói với kỹ thuật viên xạ trị, bác sĩ chuyên khoa hoặc điều dưỡng.
Có thể uống thuốc giảm đau ở dạng lỏng, nhất là trước khi ăn cho đến khi sự đau họng được cải thiện.
Cực kỳ mệt mỏi
Mệt lả là cực kỳ mệt và kiệt sức không hết đi khi nghỉ hoặc ngủ. Nó có thể ảnh hưởng tới cơ thể và cảm xúc của bệnh nhân.
Nó là tác dụng phụ rất phổ biến của xạ trị và có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi xạ trị kết thúc. Nếu bệnh nhân cũng được hóa trị thì họ đang trải qua cả tình trạng mệt lả vào thời điểm ngay khi bắt đầu xạ trị.
Thi thoảng mệt lả là tác dụng kéo dài.
Mệt lả cũng có thể do các tình trạng khác gây ra như là thiếu máu. Quan trọng là hãy báo cho bác sĩ điều trị biết nếu bạn bị ảnh hưởng bởi mệt lả để loại trừ các tình trạng khác.
Mệt lả ảnh hưởng đến mọi người theo nhiều cách khác nhau và có nhiều cách để ứng phó với mệt lả và quản lý mệt lả – bác sĩ điều trị có thể giúp bạn việc này.
Các mẹo nhỏ để giúp quản lý mệt
- Giữ quyển nhật ký mệt lả – ghi lại mức độ mệt lả mỗi ngày có thể giúp bạn nhận diện các nguyên nhân gây mệt lả và lên kế hoạch các hoạt động.
- Lên kế hoạch ngày của bạn để có sự cân bằng các hoạt động và nghỉ ngơi.
- Hãy thực hiện một vài hoạt động thể chất mỗi ngày; thậm chí chỉ đi bộ quãng ngắn cũng tốt
- Hãy chấp nhận rằng bạn có ngày tốt và ngày tệ
- Chuẩn bị cho một dịp đặc biệt bằng cách nghỉ ngơi ít ngày trước sự kiện đó
- Cố gắng ăn tốt – nếu không thấy ngon miệng, có thể ăn các lượng nhỏ thường xuyên hơn và uống nhiều chất lỏng để bạn không bị mất nước. Bạn cũng có thể yêu cầu được gửi tới chuyên gia dinh dưỡng ung thư để được tư vấn.
- Đón nhận những giúp đỡ từ những người khác để tiết kiệm năng lượng của bạn để bạn làm những điều bạn yêu thích.
Phù bạch mạch
Phù bạch mạch là việc cánh tay, bàn tay và khu vực ngực sưng lên do việc tích tụ dịch bạch huyết ở các mô bề mặt của cơ thể gây ra. Phù bạch mạch có thể xuất hiện do tổn thương của hệ bạch huyết, ví dụ do phẫu thuật và/hoặc xạ trị vào hạch bạch huyết dưới cánh tay (hố nách) và khu vực xung quanh.
Phù bạch mạch có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào sau điều trị, đôi khi sau nhiều năm.
Nếu cánh tay, bàn tay hoặc vùng ngực ở bên mổ hoặc bên được xạ trị sưng lên hoặc có cảm giác khó chịu và nặng nề thì hãy liên lạc với nhóm điều trị hoặc bác sĩ đa khoa.
Phù bạch mạch là trạng thái lâu dài, nghĩa là một khi bệnh phát triển thì chỉ có thể kiểm soát được bệnh nhưng khó khỏi hẳn.
Để có thêm thông tin đề nghị đọc quyển Giảm nguy cơ phù bạch mạch. Nếu bạn đã phát chứng phù bạch mạch thì bạn có thể đọc quyển Sống chung với phù bạch mạch sau ung thư vú.
Thay đổi hình dáng, kích thước và màu của vú
Nếu bệnh nhân xạ trị sau phẫu thuật bảo tồn vú thì mô vú và núm vú ở bên xạ trị có thể cảm thấy chắc hơn trước, hoặc vú có thể thấy nhỏ hơn và nhìn khác với trước khi mổ.
Mặc dù điều này là bình thường, bệnh nhân có thể lo lắng kích thước của hai vú khác nhau về, hoặc lo rằng sự khác nhau này là thấy rõ.
Bạn có thể thảo luận với bác sĩ phẫu thuật vú để xem có thể làm được gì để làm cho sự khác nhau khó nhận thấy.
Tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng tới cảm giác của bạn về cơ thể của mình, gồm cảm giác của bạn về sự gần gũi và tình dục. Bạn có thể đọc thêm quyển Cơ thể bạn, sự gần gũi và tình dục.
Nhạy cảm đau ở xương sườn
Nhạy cảm đau có thể xảy ra ở các xương sườn trong khi xạ trị. Ở một số người thì sự khó chịu này có thể tiếp tục nhưng thường cải thiện dần dần theo thời gian.
Các tác dụng phụ muộn
Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện vài tháng thậm chí vài năm sau khi kết thúc xạ trị. Tuy nhiên các tác dụng phụ này ít phổ biến hơn nhiều.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng rất hiếm xảy ra và các lợi ích của xạ trị trong việc làm giảm khả năng ung thư vú quay trở lại lớn hơn nguy cơ của các tác dụng phụ tiềm tàng.
Làm cứng mô
Cứng mô (hiện tượng xơ hóa) là hiếm nhưng có thể xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau khi kết thúc xạ trị. Nếu xơ hóa nghiêm trọng, vú có thể trở nên cứng hơn và nhỏ hơn đáng kể.
Những thay đổi của vú tạo hình
Nếu bạn tạo hình vú khi dùng túi ngực, xạ trị có thể làm vú tạo hình trở nên cứng hơn, thay đổi hình dạng hoặc trở nên khó chịu. Bạn có thể thấy hiện tượng này được gọi là co thắt bao xơ.
Nếu bạn tái tạo vú bằng vạt da tự thân, xạ trị có thể làm mô của phần vạt làm tái tạo thay đổi hình dạng hoặc co lại.
Nếu bạn nhận thấy vú tạo hình thay đổi, hãy nói với bác sĩ phẫu thuật tạo hình hoặc điều dưỡng chăm sóc vú.
Vỡ các mao mạch
Dưới lớp da bạn cũng có thể nhìn thấy các mao mạch tí hon bị vỡ, được gọi là giãn mao mạch. Mặc dù không gây nguy hiểm cho bạn, hiện tượng này là vĩnh viễn và không có phương pháp điều trị. Nó có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của bạn và cách thức bạn nhìn cơ thể mình. Nếu bạn lo lắng về điều này, hãy nói chuyện với điều dưỡng chăm sóc vú.
Thay đổi tới phổi
Đôi khi sau xạ trị vào vú hoặc khu vực thành ngực, phần của phổi phía sau khu vực xạ trị có thể bị viêm, gây ra ho khan hoặc thở gấp. Hiện tượng này thường là tự khỏi theo thời gian. Hiếm gặp hơn có thể xảy ra xơ hóa đỉnh phổi, gây ra các tác dụng phụ tương tự.
Các vấn đề của tim
Có nguy cơ nhỏ về các vấn đề của tim trong tương lai do xạ trị vào bên trái gây ra. Nguy cơ rất thấp do đã thực hiện phòng ngừa để làm giảm liều xạ trị vào các mô tim.
Nguy cơ phát triển một ung thư khác
Có nguy cơ nhỏ phát triển một ung thư khác trong tương lai do xạ trị. Điều này rất hiếm và ít hơn rất nhiều ung thư vú tái phát nếu bạn không xạ trị. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận nguy cơ này với bạn.
Các tác dụng phụ khác
- Làm xương yếu đi ở khu vực được xạ trị, có thể dẫn tới gãy xương sườn và xương đòn
- Tổn thương dây thần kinh ở cánh tay bên xạ trị, có thể gây ngứa ran, tê bì, đau, làm yếu tay hoặc có thể làm mất một số cử động
- Phản ứng da dài hạn (viêm da do bức xạ mạn tính) – xem phần ‘phản ứng da’.
Nếu bạn lo ngại về bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc và thực phẩm chức năng trong khi xạ trị
Hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang uống hoặc cân nhắc uống, gồm các thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và chất khoáng, các thảo dược và bất kỳ điều trị nào được mua không cần đơn.
Bằng chứng chưa rõ ràng liệu các chất ôxy hóa liều cao (gồm các vitamin A, C và E, co-enzyme Q10 và Sselen) là gây hại hay tốt trong khi bạn đang xạ trị.
Do sự không chắc chắn này, nhiều bác sĩ chuyên khoa khuyến nghị rằng tránh uống liều cao các thực phẩm chức năng có tính ôxy hóa trong khi đang xạ trị.
Kết thúc xạ trị
Sau khi kết thúc điều trị, có thể bệnh nhân mất một khoảng thời gian để quay trở về cuộc sống thường ngày. Hãy cố gắng đừng mong đợi nhiều vào bản thân trong thời gian đầu sau điều trị và hãy để bản thân có thời gian để chữa lành và hồi phục sức khỏe. Bạn có thể đôi khi tiếp tục cảm thấy mệt mỏi và có thể mệt hơn sau xạ trị kết thúc nhưng dần dần bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Đối với một số người, điều này có thể mất vài tháng và đôi khi lâu hơn.
Đối với nhiều người, xạ trị là bước cuối cùng trong liệu trình điều trị tại bệnh viện mà họ cần phải nỗ lực hoàn thành, và việc đi được đến chặng đường đó sẽ mang lại cảm giác thành công thực sự. Nhưng một số người vẫn cảm thấy bị cô lập, buồn bã và sợ hãi, đặc biệt là khi những cuộc hẹn khám với bác sĩ không còn nữa. Bạn có thể trao đổi với điều dưỡng về cảm nhận của mình và họ có thể trực tiếp hỗ trợ bạn.
Tái khám và theo dõi
Vào lúc kết thúc điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân có thể tiếp tục được theo dõi để đánh giá sựhồi phục, và được gọi là tái khám và theo dõi. Bệnh nhân được theo dõi thế nào sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân và các buổi hẹn tại bệnh viện đã điều trị.
Để có thê thông tin về tái khám và theo dõi, đề nghị đọc quyển Sau điều trị ung thư vú: Điều gì bây giờ.
Nguồn