HomeDinh Dưỡng Thai KỳTiểu Đường Thai Kỳ: Dấu Hiệu Và Cách Điều...

Tiểu Đường Thai Kỳ: Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị Hiệu Quả

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý nguy hiểm nhưng lại có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào. Giai đoạn mang thai từ tuần thứ 24 trở đi, phụ nữ mang thai thường có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Vì vậy, mẹ bầu cần trang bị cho mình các kiến thức về bệnh này để giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh.

Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?

Khi bạn ăn, một số thực phẩm sẽ chuyển hóa thành đường (glucose). Glucose sẽ theo máu đến tất cả các tế bào trong cơ thể để tạo năng lượng. Insulin giúp vận chuyển đường từ máu vào trong các tế bào. Insulin là một loại hormone được tiết ra từ trong tuyến tụy. Trong thời gian mang thai, tuyến tụy tiết không đủ insulin hoặc các tế bào đáp ứng kém với insulin, lượng đường trong máu tăng lên và gây ra bệnh đái tháo đường.

Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường ở thai kỳ

Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường ở mẹ bầu là gì?

Tất cả bà bầu đều có chất kháng insulin vào giai đoạn cuối thai kỳ, nhưng một số người có hormone kháng insulin trước khi mang thai (thường do béo phì). Những thai phụ này có nhu cầu tăng cao insulin khi mang thai và có nhiều khả năng mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.

Đối tượng nào dễ mắc tiểu đường khi mang thai?

Tiểu đường là một trong những bệnh phổ biến nhất khi mang thai. Tỉ lệ là 1/10 mẹ bầu và thường gặp nhiều hơn ở những người béo phì. Bạn có thể tham khảo các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết:
  • Thừa cân (béo phì) chỉ số BMI > 30.
  • Người thân trong gia đinh mắc bệnh tiểu đường.
  • Từng mắc tiểu đường khi mang thai.
  • Từng sinh bé có cân nặng lớn (>4kg).
  • Mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Có bệnh cao huyết áp.
  • Phụ nữ mang thai trên 30 tuổi.
Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở thai kỳ, có nguy hiểm không?

Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ thường gặp

Bênh tiểu đường thai kỳ thường không có bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Vì vậy mẹ bầu cần làm kiểm tra dung nạp đường vào thời điểm từ 24-28 tuần. Bác sĩ thường phát hiện bệnh khi kiểm tra mức đường máu trong nửa cuối thai kỳ. Một số triệu chứng phổ biến ở sản phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ:
  • Thường xuyên cảm thấy khát nước, khô miệng.
  • Đi tiểu nhiều hơn so với bình thường, nhưng lượng nước tiểu lại ít.
  • Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt.
Một số dấu hiệu trên cũng có thể xuất hiện trong quá trình mang thai và không phải là triệu chứng điển hình. Vì vậy, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc về các triệu chứng bệnh.

Bệnh ảnh hưởng đến mẹ bầu và bé như thế nào?

Trong thai kỳ, nếu mẹ bầu bị đái tháo đường thì thai nhi cũng sẽ bị tăng đường huyết. Thai nhi sử dụng lượng đường dư này để dự trữ dưới dạng chất béo. Điều này làm cho thai nhi phát triển lớn hơn bình thường. Lượng đường dư có thể ảnh hưởng đến chức năng của gan, phổi và các cơ quan khác của bé. Sự tăng trưởng của thai nhi sẽ được kiểm tra qua siêu âm. Nếu thai nhi lớn thì việc sinh con của mẹ sẽ khó khăn và có thể cần mổ lấy thai. Bác sĩ hay nữ hộ sinh sẽ thảo luận với thai phụ về các nguy cơ khi gần thời gian sinh con. Sau khi sinh, tình trạng bệnh tiểu đường của sản phụ sẽ không còn ảnh hưởng đến bé. Tuy vậy, lượng insulin dư thừa mà cơ thể bé đã sản xuất trong thai kỳ vẫn tiếp tục hoạt động. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bé bị hạ đường huyết sau khi sinh. Bé cần được theo dõi kiểm tra và điều trị tình trạng hạ đường huyết nếu cần.
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nếu không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ nếu không được chữa trị cẩn thận thì sẽ không kiểm soát được các chỉ số đường huyết và có thể bị:
  • Nguy cơ sinh mổ cao. Nghiêm trọng hơn có thể bị sảy thai.
  • Cao huyết áp hoặc tiền sản giật.
  • Sau khi sinh mẹ sẽ có nguy cơ bị tiểu đường.
  • Nếu sinh thường, khả năng tổn thương các cơ và dây chằng của bộ phận sàn chậu nhiều hơn, dễ dẫn đến sa tạng chậu hơn. Vết rạch ở tầng sinh môn cũng dài hơn bình thường.

Cách điều trị cho mẹ bầu hiệu quả, an toàn

Chẩn đoán bệnh bằng cách nào?

Trong lần khám đầu tiên vào tuần thứ 8 đến 12 của thai kỳ, bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi để xác định xem bạn có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ hay không. Trong trường hợp có một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ, bạn cần làm xét nghiệm sàng lọc. Bạn cần phải nhịn ăn 8 giờ trước khi làm xét nghiệm. Vào nơi xét nghiệm sản phụ sẽ thử đường huyết lúc đói. Sau đó bác sĩ cho mẹ bầu uống dung dịch glucose và lấy máu để xét nghiệm sau 1 giờ. Do vậy, bạn nên xét nghiệm vào buổi sáng, để hoàn thành 3 lần lấy máu rồi đi ăn sáng. Nếu bạn đi trễ, thời gian nhịn đói kéo dài bạn sẽ dễ bị tụt đường huyết. Nếu có ít nhất hai trong các chỉ số đường máu cao hơn mức bình thường dưới đây, bạn sẽ được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ:
  • Đường máu lúc đói < 5,3 mmol/l.
  • Đường máu 1 giờ sau ăn < 7,8 mmol/l.
  • Đường máu 2 giờ sau ăn < 6,7 mmol/l.

Những phương pháp điều trị và kiểm soát bệnh hiệu quả

Điều cần làm nhất là phải theo dõi và kiểm soát đường huyết của thai phụ để tránh các biến chứng trong thời gian mang thai và sinh con. Việc kiểm soát đường huyết sẽ:
  • Giúp mẹ bầu cảm thấy khỏe mạnh và ít mệt mỏi hơn.
  • Giảm nguy cơ thai nặng cân và các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.
  • Giúp đường huyết của bé ở mức an toàn sau khi sinh.
Một số phương pháp giúp mẹ bầu có chỉ số đường huyết an toàn:
  • Chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Chế độ sinh hoạt phù hợp.
  • Dùng thuốc ổn định đường huyết khi cần. Trong đó được dùng phổ biến nhất trong thai kỳ là insulin dạng tiêm.

Chế độ ăn giúp kiểm soát đường huyết

Chế độ ăn uống phù hợp sẽ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sản phụ cảm thấy tràn đầy năng lượng và giúp thai nhi khỏe mạnh.
Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?
Chia nhỏ bữa ăn giúp mẹ kiểm soát và ổn định lượng đường nạp vào. Mẹ nên chọn những thực phẩm giàu chất xơ, chất đạm, ít chất béo và calo. Hạn chế tinh bột, ăn nhiều đạm hơn. Chất đạm có vai trò quan trọng, giúp bạn cảm thấy no lâu. Vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể vừa giúp ổn định đường huyết tốt. Ví dụ: 1 tô phở bò hay bún bò nhỏ, 1 chén cháo thịt bằm hoặc 1 lát bánh mỳ kèm trứng ốp lết hay một đĩa mỳ ống nhiều rau. Chất xơ thường có trong rau quả tươi, ngũ cốc nguyên cám. Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày giúp phòng ngừa táo bón, làm chậm sự hấp thu đường vào máu. Các loại hạt, yến mạch, đậu… là nguồn cung cấp tinh bột, giàu chất xơ và các vitamin tốt cho phụ nữ trong thai kỳ. Nên tránh xa đồ ăn nhanh, xôi nếp, bánh chưng, rượu bia, đồ uống có đường, bánh kẹo. Nước ép hoa quả và những hoa quả có hàm lượng đường cao như: dưa hấu, vải, xoài, sầu riêng,…

Chế độ sinh hoạt tập luyện khoa học

Tăng cường vận động có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của sản phụ trước, trong và sau thai kỳ. Luôn luôn vận động như đi bộ hàng ngày, đạp xe, bơi lội 30 phút mỗi ngày. Vận động thường xuyên giúp mẹ giảm một số tình trạng khó chịu thường gặp trong thai kỳ như đau lưng, bụng, chuột rút, táo bón. Giúp bà bầu có đủ sức khỏe để vượt qua quá trình chuyển dạ và sinh con. Tập thể dục hạn chế cơ thể kháng insulin, giúp ổn định đường huyết và giảm stress, nhờ đó, bạn sẽ có một giấc ngủ ngon.

Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Để biết được lượng đường huyết trong cơ thể là tốt hay chưa, chỉ thử khi mới ngủ dậy là chưa đủ. Kiểm tra đường huyết 4 lần mỗi ngày. Ghi nhận từng kết quả đo được vào Sổ theo dõi riêng. Đối chiếu với chỉ số đường huyết trong bảng dưới đây. Nếu đường huyết cao hơn mức an toàn, bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn và tập luyện.
Chỉ số đường huyết an toàn cho mẹ bầu tham khảo.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Một số ít thai phụ bị tiểu đường cần có sự can thiệp của thuốc mới có thể kiểm soát đường huyết. Hầu hết mẹ bầu được khuyên dùng insulin tiêm dưới da hàng ngày. Insulin hoàn toàn an toàn cho mẹ và bé, bạn có thể yên tâm dùng theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

Luôn giữ cân nặng ở mức bình thường

Lợi ích của việc giảm cân trước khi mang thai là giúp cho quá trình thai kỳ khỏe mạnh. Hãy giảm ăn và uống đồ ngọt. Đồ ngọt luôn có hương vị hấp dẫn nhưng chúng không tốt cho sức khỏe. Vệc kiêng ăn ngọt ban đầu có thể rất khó khăn đối với bạn nhưng vì sức khỏe của con yêu và của cả chính bạn, hãy kiên định nói không với đồ ngọt.

Sau sinh mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần làm gì?

Trong lúc mang thai bạn cần kiểm soát đường huyết tốt. Sau khi sinh xong, để giảm các nguy cơ bị tiểu đường trong lần mang thai kế tiếp hoặc về sau, bạn cần chú ý những điều sau:
  • Nuôi con bằng sữa mẹ, giúp bé giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường.
  • Giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh, ăn thức ăn tốt cho sức khỏe, tập thể dục thường xuyên.
  • Sau sinh 6 tuần, bạn cần làm kiểm tra dung nạp đường để xem cơ thể mình có thể cân bằng đường huyết bình thường như trước khi mang thai không.
  • Khi mẹ bị tiểu đường trong lúc mang thai, em bé dễ bị béo phì, bệnh tim mạch về sau. Mẹ cần nuôi con bằng chế độ ăn khoa học, giữ cân nặng phù hợp và tăng cường hoạt động thể chất.
Vậy là mẹ bầu đã biết tiểu đường thai kỳ là gì rồi phải không? Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và có một thai kỳ khỏe mạnh. Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn nào xung quanh việc mang thai. Hãy tham khảo thêm những bài viết trên website Memangbau.com để trang bị cho mình những kiến thức hữu ích.

- Advertisement -

Worldwide News, Local News in London, Tips & Tricks

- Advertisement -