
Sảy thai là điều mà không mẹ bầu nào mong muốn và có thể trở thành nỗi lo sợ lớn nhất của nhiều cặp vợ chồng. Sau đây là một số dấu hiệu sảy thai mà mẹ cần lưu ý để giảm thiểu rủi ro này. Ngoài ra nếu phát hiện sớm các dấu hiệu sảy thai mẹ bầu có thể thăm khám kịp lúc. Vì trong rất nhiều trường hợp, khi được điều trị kịp thời, em bé sẽ thoát khỏi nguy hiểm.
Sảy thai là gì?
Sảy thai là khái niệm chỉ tình trạng mất thai trước tuần 20 của thai kỳ. Theo Hiệp hội Thai sản Hoa Kỳ, tỷ lệ sảy thai chiếm khoảng 20-25% tổng số thai kỳ . Trong đó, 80% các ca xảy ra trước khi thai phát triển được 12 tuần.
Các hình thức sảy thai mẹ bầu có thể gặp phải:
- Sảy thai hoàn toàn: mẹ đau bụng dưới từng cơn sau đó phôi thai ra khỏi cơ thể bạn qua âm đạo.
- Sảy thai không hoàn toàn: nguyên nhân là do cổ tử cung của bạn bị giãn hoặc mỏng và các phần của phôi thai sẽ bị đẩy ra khỏi cơ thể mẹ bầu nhưng một phần của thai vẫn còn sót lại trong tử cung.
- Thai ngoài tử cung: trứng làm tổ tại một nơi khác ngoài tử cung của bạn (95% là trong ống dẫn trứng). Thai ngoài tử cung là bệnh lý phụ khoa cần được điều trị ngay để tránh các biến chứng.
- Sảy thai tái phát (hay liên tiếp): trường hợp sảy thai ít nhất 3 lần liên tục. Nhưng chỉ khoảng 1% các cặp vợ chồng gặp phải tình trạng này.
- Dọa sảy thai: xuất hiện tình trạng xuất huyết hoặc chuột rút, cảnh báo nguy cơ sảy thai.
Dấu hiệu sảy thai thường gặp
1. Mất triệu chứng thai nghén
Dù đã thử và biết mình có thai nhưng mẹ bầu lại chẳng cảm thấy dấu hiệu thai nghén nào. Đây không phải điều hiếm gặp, bởi nhiều chị em chỉ có các biểu hiện rất nhẹ, khó phát hiện ra nếu không để ý, do đó có một số mẹ không hề biết mình mang thai trong suốt 3 tháng đầu. Tuy nhiên đối với các thai phụ gặp phải triệu chứng ốm nghén như: chán ăn, buồn nôn, căng tức ngực,… nhưng đột nhiên biến mất thì rất có thể thai kỳ đã dừng lại cần phải kiểm tra tim thai ngay.
2. Chảy máu bất thường
Hiện tượng xuất huyết âm đạo diễn ra khá phổ biến ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Hiện tượng rỉ máu, chảy máu tương đối có thể xảy ra trong các trường hợp mang thai khỏe mạnh. Tuy vậy nếu âm đạo chảy máu đỏ tươi hoặc màu nâu đỏ mận lặp đi lặp lại thì có khả năng hormone cơ thể thai phụ đang sụt giảm và sảy thai có thể đang diễn ra. Một số trường hợp chảy máu nhiều, vón thành cục xuất hiện trong một vài ngày rồi biến mất. Lúc này, việc mẹ cần làm là nên đi khám bác sĩ ngay. Bạn vẫn còn hi vọng vì 70% phụ nữ bị chảy máu dạng này vẫn giữ được con.
Trong trường hợp ngay những tuần đầu tiên, mẹ bầu ra những mảng huyết dày, màu sẫm, sau đó là chất nhầy kèm theo chuột rút, đau bụng, lưng thì cũng nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được điều trị.
3. Chú ý các cơn đau nhức ở lưng và bụng dưới
Thai nghén thường kèm theo tình trạng đau lưng và bụng dưới. Biểu hiện này giống như khi bạn đến chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu nó xuất hiện trong thai kỳ thì các mẹ cần hết sức cẩn thận vì đau bụng dưới là biểu hiện thường gặp nhất của thai ngoài tử cung hay sảy thai.
Đặc biệt là nếu các cơn co thắt tử cung xảy ra (khoảng 5-20 phút một lần) gây khó thở, đau thắt và sau đó là xuất huyết âm đạo thì đừng chần chừ mẹ hãy đi khám càng sớm càng tốt.
4. Hiện tượng chuột rút
Chuột rút khi mang thai là bình thường. Hiện tượng này xảy ra do các dây chằng mở rộng để thích ứng với tử cung ngày càng tăng kích thước. Nhưng nếu chuột rút đi kèm với xuất huyết âm đạo và khó thở thì khả năng cao mẹ bầu đã bị sảy thai hoặc chuẩn bị sảy thai.
5. Kiểm tra dịch âm đạo
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai thường tiết nhiều dịch nhờn để giúp môi trường âm đạo ẩm ướt. Nhưng trường hợp dịch nhờn nhiều bất thường ở âm đạo kèm theo là những cục máu đông hay chất lỏng có màu hồng có thể là dấu hiệu bạn sắp sảy thai. Đặc biệt khi dịch nhờn này có mùi hôi là rất đáng lo ngại. Mẹ nên theo dõi kiểm tra cẩn thận.
6. Áp lực vùng chậu kèm xuất huyết âm đạo
Trong giai đoạn 20 tuần đầu mang thai, các mẹ cũng thường gặp hiện tượng này. Nhưng nếu đi kèm với chứng xuất huyết âm đạo, chuột rút thì rất nguy hiểm. Vì đó là dấu hiệu rất rõ chỉ ra rằng có thể mẹ sắp sảy thai.
7. Thử thai âm tính
Nếu bạn xét nghiệm có thai dương tính sau đó thử lại thấy âm tính là một dấu hiệu điển hình của việc mang thai ngoài tử cung hay sảy thai. Thường đi kèm với việc ra máu lốm đốm. Trong một số trường hợp, mẹ bầu còn có những triệu chứng khác như: tiêu chảy, nôn ói, đau bụng dữ dội một bên, đau vai, cảm giác lâng lâng dễ ngất xỉu,…Hãy thông báo cho bác sĩ chuyên khoa của bạn ngay lập tức!
Nếu không may sảy thai mà tử cung gặp phải tình trạng nhiễm trùng, thai phụ cần được hỗ trợ y tế để loại bỏ bào thai và mô sót lại, giúp tử cung tự lành.

Nguyên nhân xuất hiện dấu hiệu sảy thai
Trong những tuần đầu của thai kỳ, mẹ bầu sẽ có nguy cơ sảy thai cao và đa số là sảy thai tự nhiên. Có thể do bất thường ở nhiễm sắc thể của phôi thai dẫn đến. Hiện có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng không mong muốn này.
1. Các vấn đề về nhiễm sắc thể
Nguyên nhân là do hợp tử tạo thành từ quá trình thụ tinh giữa tinh trùng và trứng có vấn đề về số lượng nhiễm sắc thể, có thể là thiếu hoặc thừa nhiễm sắc thể. Điều này khiến bào thai không thể phát triển bình thường gây sảy thai.
2. Vấn đề nhau thai
Nhau thai là màng bảo vệ bé tránh các tác động mạnh. Đồng thời còn là nơi kết nối cơ thể mẹ với bé, vận chuyển chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ sang thai nhi để phát triển. Do đó, nếu nhau thai có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của bé, thậm chí nặng nhất là gây sảy thai.
3. Rối loạn miễn dịch
Khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức hay dưới mức cũng có thể gây sảy thai. Nói một cách đơn giản nguyên nhân này là cơ thể người mẹ không chấp nhận được tình trạng mang thai.
4. Tình trạng sức khỏe mẹ không đảm bảo
Mẹ bầu bị bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, bệnh thận và các vấn đề với tuyến giáp,… có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Việc mắc bệnh khiến dòng máu đưa đến tử cung người mẹ không đủ để cung cấp cho nhu cầu phát triển của thai nhi khiến thai phát triển không bình thường.
5. Hở eo cổ tử cung
Nếu cổ tử cung của mẹ quá yếu, eo cổ tử cung hở có thể dẫn đến sảy thai do cổ tử cung không đủ khả năng giữ thai nhi.
6. Cấu trúc tử cung bất thường
Các bất thường ở tử cung như tử cung có vách ngăn, tử cung hai sừng (tử cung hình trái tim), tử cung một sừng… cũng có thể gây sảy thai. Bên cạnh đó, u xơ tử cung cũng có gây nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi.
Ngoài những nguyên nhân trên, nếu phụ nữ trên 35 tuổi mang thai cũng có nguy cơ cao bị sảy thai.
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, bạn nên:

- Cần hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích, chất thải, chất độc hại trong môi trường.
- Bổ sung các vitamin cần thiết khi mang thai để đảm bảo rằng bạn và thai nhi đang phát triển đủ chất dinh dưỡng.
- Thai phụ cần bổ sung chất dinh dưỡng, thức ăn dễ tiêu hóa chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bên cạnh đó hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng hoặc bia rượu. Các chất dinh dưỡng cần bổ sung nhiều trong giai đoạn này là: protein, chất xơ, canxi,…
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các huấn luyện viên khi tập luyện trong thai kỳ để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Tập thể dục hợp lý có thể giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ và tăng sức chịu đựng khi mẹ bầu chuyển dạ.
- Mẹ nên có tinh thần thoải mái, sảng khoái. Cần hạn chế cáu gắt tránh bị stress, để không ảnh hưởng đến tinh thần thai nhi.
- Hãy đi khám thai định kỳ đều đặn và khám ngay khi có các dấu hiệu sảy thai trên. Xét nghiệm máu để phát hiện có bị nhiễm HIV, viêm gan B hay gì không. Ngoài ra cũng nên thử máu để kiểm soát nồng độ đường trong máu.
Trên đây là một số dấu hiệu sảy thai sớm và các nguyên nhân dẫn đến sảy thai mà các chị em phụ nữ cần biết. Hi vọng với những chia sẻ từ chuyên gia này sẽ giúp các mẹ bầu sớm nhận biết được các dấu hiệu sảy thai cũng như cách phòng tránh hiệu quả.