Biên dịch: Trần Thị Dung
Hiệu đính: BS. Lương Thị Cẩm Nhung
Đột quỵ là nguyên nhân chính gây tử vong và tàn tật lâu dài trên toàn thế giới.
Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não của bạn đột ngột bị gián đoạn. Sau đó mô não bị tổn thương. Nếu bạn không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng vĩnh viễn về sau.
Bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến những biến chứng mạch máu nhỏ và mạch máu lớn, bao gồm cả đột quỵ.
Trên bệnh nhân tiểu đường, các cơ chế bệnh sinh dẫn đến đột quỵ bao gồm: xơ vữa động mạch lớn, bệnh mạch máu não nhỏ (SVD) và huyết khối ở tim.
Rối loạn mỡ máu, tăng đường huyết và tình trạng đề kháng insulin dẫn đến một loạt các thay đổi sinh lý. Chúng bao gồm: sự hình thành lipoprotein mật độ thấp (LDL) gây xơ vữa, các sản phẩm cuối cùng của glycation tiên tiến và kích hoạt tín hiệu tiền viêm tác động đến thành động mạch. Từ đó, dẫn đến tổn thương xơ vữa động mạch.
Những người bệnh tiểu đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 1,5–2 lần so với những người không mắc bệnh.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, tăng đường huyết như là một yếu tố dự đoán kết quả xấu trong đột quỵ với quan hệ hai chiều. Khi đường huyết cao có thể góp phần làm xấu kết cục đột quỵ. Đồng thời, đột quỵ do thiếu máu cục bộ nặng cũng có thể là nguyên nhân gây tăng đường huyết sau này.
Làm cách nào để biết liệu bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ hay không?
Bị tiểu đường làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và thậm chí còn lớn hơn nếu:
- Bạn trên 55 tuổi
- Là gia đình người Mỹ gốc Phi
- Bạn đã từng bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (còn gọi là TIA hoặc cơn đột quỵ nhỏ)
- Tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc TIA
- Bạn bị bệnh tim/ tăng huyết áp/ thừa cân
- Bạn có mức cholesterol LDL (có hại) cao và mức cholesterol HDL (có lợi) thấp
- Bạn không hoạt động thể chất
- Bạn hút thuốc
Một số yếu tố nguy cơ không thay đổi được. Nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bị đột quỵ bằng cách kiểm soát bệnh tiểu đường và điều chỉnh một số yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như giảm cân nếu bạn thừa cân.
Làm thế nào để giảm nguy cơ bị đột quỵ?
Giảm nguy cơ của bạn bằng cách kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.
Hãy duy trì lượng đường trong máu, huyết áp và mỡ máu của bạn ở mức mục tiêu bằng cách ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và dùng thuốc khi cần. Thêm vào đó, nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá.
Các chỉ số của bạn càng gần với mục tiêu điều trị, thì cơ hội ngăn ngừa đột quỵ của bạn càng cao.
Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ là gì?
Các dấu hiệu cảnh báo điển hình của đột quỵ phát triển đột ngột và có thể bao gồm:
- Yếu hoặc tê ở một bên cơ thể
- Rối loạn ý thức hoặc khó hiểu, khó nói chuyện
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc đi lại khó khăn
- Mất thị lực một hoặc cả hai mắt, nhìn đôi
- Nhức đầu dữ dội
Nếu bạn có dấu hiệu cảnh báo về đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Điều trị càng sớm càng tốt khi bị đột quỵ có thể giúp ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn cho não của bạn.
Tài liệu tham khảo: