HomeTổng hợpBên nhau ngày mưa (Bài viết số 28)

Bên nhau ngày mưa (Bài viết số 28)

Chương trình “BÊN NHAU NGÀY MƯA”

Bệnh nhân ung thư có xu hướng cô đơn, đau buồn vì gánh nặng bệnh tật. Điều trị ung thư thường là hành trình phức tạp với nhiều trở ngại có thể xảy ra bất chừng.

Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư hẳn sẽ không cô đơn khi nhận thấy vẫn có nhiều người thân và bạn đồng hành bên mình. Tình người ấm áp có thể xoa dịu phần nào nỗi đau từ bệnh tật.

Để ghi lại những khoảnh khắc, những kỷ niệm cùng nhau đối diện và vượt qua khó khăn, góp phần lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng cho cộng động người bệnh mới, Dự án Hỗ trợ bệnh nhân Ung thư, Tổ chức Y học cộng đồng tổ chức chương trình “BÊN NHAU NGÀY MƯA” để người bệnh và bạn đồng hành chia sẻ thêm bài học về YÊU THƯƠNG mà họ đã cảm nhận trong cuộc sống.

Thời gian: Từ 06/12/2021 – 20/12/2021

Tại: Group “Hỗ trợ bệnh nhân Ung thư”

Bài viết số 28:

TÌNH BẠN TRONG KHÓ KHĂN – BÊN NHAU NGÀY MƯA

Mình quen biết chị khi chăm sóc mẹ điều trị ung thư tại bệnh viện. Giờ mẹ và chị đã mất, nhưng mình muốn chia sẻ câu chuyện bản thân đã viết vào năm 2020 về chị. Một góc nhìn lạc quan và để nhớ về một cuộc đời vừa khép lại.

Chị Hạnh,

Chị có dáng người cao to, da ngăm đen với nụ cười rạng rỡ để lộ hàm răng trắng muốt, đều tăm tắp. Trước đây chị từng có mớ tóc dài đen mượt đến ngang lưng, giờ chỉ còn vài lọn tóc lơ thơ phía trước, sau 2 lần điều trị hóa chất. Thế nhưng ngoài trên đầu còn lại vài loạn tóc thì không ai nghĩ chị đang điều trị ung thư, vì chị vẫn còn rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh.

Chị ở một ngôi làng nhỏ tại Hà Đông, cách Hà Nội 18 km. Bố mẹ chị người nói chị tuổi dần, người nói chị tuổi mão, vì nhà đẻ nhiều nên chẳng nhớ rõ. Nhưng xem tính cách, khẩu khí cũng như tướng mạo thì mọi người trong phòng bệnh đều đoán chị tuổi dần. Chồng chị sinh năm 71, anh cũng thuộc diện đẹp trai nhất nhì làng thời trẻ. Nhưng hồi đó, chị chẳng thích anh. Khi anh đến nhà tìm hiểu chị vẫn bảo “Mày đi đi, mày đến làm gì, tao có thích mày đâu”. Thế rồi chị lấy anh khi mới 19 tuổi vì bị bố mẹ ép. Rồi cũng có 2 mặt con – một trai, một gái. Thằng con cao to, đẹp trai, hiền lành và có nụ cười tươi giống chị. Giờ đang làm điều dưỡng tại bệnh viện nơi chị nằm điều trị. Đứa con gái đang học năm thứ 3 đại học Khoa quản lý nhà hàng – khách sạn gì đó, nhưng nó chỉ thích phụ chị bán thịt bò. Tính tình nó cũng được thừa hưởng của mẹ, nên xởi lởi, vui vẻ và thẳng thắn.

Chị kể rằng khi nghe tin chị bị ung thư anh Thuận – chồng chị đã bật khóc rất nhiều, mếu máo nói với mọi người:

“Nó là trụ cột gia đình, bây giờ nó bị như thế này thì biết làm thế nào?”

Anh xuống nhà mẹ chị kể lể “Đấy nó gánh bao nhiêu cái đen đủi, vận hạn cho nhà mẹ đấy”. Chẳng vừa, mẹ vợ anh nói:

“Mày nói thế đến chó nó cũng không nghe được. Nó lấy mày hai mấy năm nay rồi, có mà nó gánh hạn cho nhà mày ý”. Thế là anh lại im nhưng vẫn cứ mếu máo khóc.

Chị chiều anh lắm. Anh chẳng phải làm và chẳng biết làm gì trong nhà cả. Cái gì cũng đến tay chị. Có hôm chị nhờ anh cắm nồi cơm, loay hoay mãi không được anh chửi chị rất năng lời:

“Tao vứt cái nồi này đi đấy, mày cứ mua cái nồi nhiều nút bố mày không biết dùng. Mua cái ít nút thôi”.

Bố chồng chị ốm nằm viện, chỉ có chị và bà chị dâu thay phiên nhau chăm sóc. Tiệt không thấy mấy bà con gái vào chăm bố. Các bà ý nói “Họ đã đi lấy chồng thì không còn là người nhà nữa, bao nhiêu của nả hai bà dâu hưởng hết nên hai bà phải chăm sóc”. Còn hai ông con trai thì thay nhau trông ban ngày còn buổi tối đùn cho hai cô con dâu trông.

Chị kể trong vui vẻ và không hề cảm thấy thiệt thòi hay uất ức: “Đất lề, quê thói nó vậy biết làm sao? Mà để các ông ý làm cũng có biết gì đâu?” Bà mẹ chồng thì trước cũng chẳng ưa chị, suốt ngày cạnh khóe, mắng chửi, mặc dù khi bà ốm đau cũng chỉ một tay chị chăm sóc. Nhưng khi nghe tin chị bị bệnh bà cũng khóc “Ối Hạnh ơi! Mày không giữ gìn để bệnh nặng như thế này à?” Hóa ra họ thương chị, một tình thương kỳ quặc nhưng giản đơn và chân thật.

Chị kể rằng giờ chồng chị thương chị rồi. Hồi mới cưới suốt ngày anh đánh chị. Mất con gà chọi của anh, anh cũng kiếm cớ đánh chị.

“Sao chị không đánh lại” – tôi hỏi trong bực tức.

Có 2 lần là chị đánh lại. Một lần chị vừa đi cấy về, anh bảo chị rán bánh chưng cho anh. Chị đang lúi húi rán dưới bếp thì anh chửi “Mày làm cái đ*ó gì mà lâu thế, bố mày không ăn nữa”. Chị điên tiết, bao nhiêu mệt nhọc, uất ức trào lên, chị đứng phắt dậy, tay cầm con dao: “Mày vào đây, tao vừa đi cấy về mệt mày còn hành, mày ở nhà cả ngày không tự làm mà ăn còn kêu ca cái đ*ó gì?” Thế là anh im, anh lảng ra chỗ khác. Chắc do nhìn thấy vẻ mặt chị với con dao lăm lăm trên tay anh cũng nhận ra trận này tiếp tục thì đến 9 phần toi. Lúc sau nguôi ngoai, chắc ăn bánh chưng xong rồi chị nói “May cho ông lúc nãy không vào đấy”. Lần thứ 2 chẳng hiểu anh nghe mẹ anh và chị gái anh xui bậy cái gì mà vừa về đến nhà anh đã xông vào đấm chị túi bụi. Chị không hiểu chuyện gì chỉ thấy tự nhiên bị đánh thì điên tiết, vớ ngay cái bát ô tô đập vào tay anh với sức khỏe sẵn có và sự phẫn uất. Thế là anh bị thương. Kể từ đó anh không còn đánh chị nữa. Không hiểu sao, sau lần bị chị đánh đau mà anh đã bỏ hẳn thói quen đánh vợ – muốn cai cái gì mà không có biến cố thì khó mà cai được – đúng thật.

Giờ anh đang làm công trình tận Bắc Ninh nên lâu lâu anh mới vào thăm chị. Mỗi lần vào thăm, nói được vài câu là anh lại nước mắt vòng quanh vì thương chị, rồi anh lại mếu máo với mọi người xung quanh:

“Vợ em thế thôi nhưng được cái nết ăn, nết ngủ. Đặt lưng là nó ngáy pho pho”.

Anh mau nước mắt nên vào được một lúc là chị lại đuổi về. Chị bảo “Cho đỡ sốt ruột”.

Hàng ngày anh vẫn gọi video cho chị để hỏi thăm chị thế nào? Để nhìn mặt cho đỡ nhớ. Anh còn hỏi thăm sức khỏe các bệnh nhân khác trong phòng. Không nghe chị kể chuyện trước đây thì chắc hẳn ai cũng ghen tị với tình cảm và sự quan tâm mà anh dành cho chị. Đàn ông đẹp trai, mau nước mắt thì không phải là hiếm nhưng đẹp trai, mau nước mắt mà hay đánh vợ thì quả thực xưa nay rất hiếm.

Chị là người đơn giản và lạc quan. Sự lạc quan do sức khỏe tinh thần của chị tốt hay do chị mới học hết lớp 4 nên mọi sự luôn đơn giản với chị? Chị vẫn thèm ăn cá kho với chuối xanh và thịt ba chỉ, thèm ăn gân bò hầm…Chỉ mới chiều qua thôi, chị còn muốn sáng hôm sau ăn bún chả. Thế là cả phòng lại râm ran bàn soạn xem ở đâu bún chả bán sớm để có thể ăn sáng. Với chị, thèm cái gì là phải ăn ngay vì chị biết chỉ đến chiều hoặc hôm sau thôi sẽ không ăn được nữa. Chị biết căn bệnh này sẽ rất nhanh làm chị sợ những thứ mà lúc trước vừa mới thích hay thèm ăn. Bệnh nhân truyền hóa chất điều trị ung thư là vậy. Phải ăn để lấy sức vì có ngày sẽ chỉ nôn ọe, chân tay bải hoải, buồn bực, đau mỏi. Nhìn chị chiến đấu với bênh ung thư và các triệu chứng khi truyền hóa chất mà chỉ như một người vào bệnh viện điều trị vì bị ngộ độc thức ăn. Chẳng có gì làm chị thôi cười, thôi lạc quan được. Cái lạc quan của chị đã vực dậy tinh thần của tất cả các bệnh nhân ung thư trong phòng. Không ai còn nghĩ đến cái chết. Chỉ nghĩ đến mua tóc giả ở đâu? Khi buồn nôn thì làm gì? Nên ăn gì để tăng bạch cầu? Tăng kali? Rồi họ chia sẻ với nhau từng cốc nước ép bổ dưỡng, từng miếng bánh. Bệnh tật cũng khiến người ta gần gũi, thương yêu và chia sẻ với nhau hơn.

Trời vẫn lạnh, thời tiết vẫn nồm chẳng biết đến hôm nào mới có nắng. Giống như các bệnh nhân đang chống trọi với căn bệnh ung thư chẳng biết khi nào mới nhận được tin vui về kết quả điều trị. Nhưng hy vọng và thái độ sống lạc quan sẽ khiến cho chất lượng của sống của họ tốt hơn, ý nghĩa hơn. Giúp họ đối diện với bệnh tật nhẹ nhàng hơn.

Người viết: Vi Nguyen

- Advertisement -

Worldwide News, Local News in London, Tips & Tricks

- Advertisement -