HomeTổng hợpBài 59: Có thai khi đang sử dụng biện...

Bài 59: Có thai khi đang sử dụng biện pháp phòng ngừa, liệu có thể giữ ? CÓ THAI KHI ĐANG SỬ DỤNG BIỆN PHÁP NGỪA THAI

A- Các phương pháp ngừa thai và khả năng thất bại

1. Dụng cụ tránh thai trong tử cung (vòng tránh thai)

– Dụng cụ tử cung chứa đồng (vòng chữ T): là một dụng cụ nhỏ hình chữ “T” đặt vào tử cung, có thể có tác dụng đến 10 năm. Tỷ lệ có thai khi sử dụng vòng T là 0,8%

– Vòng có chứa Levonorgestrel: cũng tương tự như vòng “T” – được đặt vào lòng tử cung và tiết một lượng nhỏ progestin mỗi ngày. Tỷ lệ thất bại là 0,1 – 0,2%

2. Các phương pháp dùng thuốc (nội tiết):

– Que cấy: que nhỏ đặt dưới da, thường là ở cánh tay. Que này chứa nội tiết, có thể sử dụng đến 3 năm. Khả năng thất bại 0,01% – 0,05%

– Thuốc tiêm: tiêm mỗi 03 tháng, thất bại khoảng 4- 6%

– Thuốc viên ngừa thai phối hợp (thuốc viên uống hàng ngày), thất bại khoảng 7-9%

– Thuốc viên ngừa thai chỉ có progestin, thất bại khoảng 7-9%

– Miếng dán ngừa thai: thường dán da vùng bụng, thất bại khoảng 7 – 9%

– Vòng đặt âm đạo: vòng tiết ra nội tiết progestin và estrogen, đặt trong âm đạo 3 tuần, lấy ra 01 tuần trong khi hành kinh, sau đó đặt vòng mới. Tỷ lệ thất bại khoảng 7%

3. Các phương pháp dùng rào chắn:

– Mũ chụp âm đạo: đặt trước khi giao hợp, bọc cổ tử cung lại không cho tinh trùng xâm nhập vào tử cung. Tỷ lệ thất bại khoảng 17%

– Bao cao su (nam/nữ):tỷ lệ thất bại ở bao cao su nữ cao hơn bao cao su nam 21% so với khoảng 13 – 18%

– Thuốc diệt tinh trùng: có nhiều dạng như gel, cream, film…đặt vào âm đạo trước giao hợp <1 giờ và lấy ra sau 6-8 giờ, thất bại khoảng 21% (18 – 28%)

4. Canh ngày giao hợp: ở phụ nữ có chu kỳ kinh đều, tính khoảng thời gian có thể co rụng trứng để kiêng giao hợp. Khả năng thất bại có thể lên đến 23%

5. Xuất tinh ngoài âm đạo (4-22%)

6. Ngừa thai trong thời gian vô kinh khi con bú mẹ hoàn toàn: khoảng <6 tháng sau sinh

7. Ngừa thai khẩn cấp: đúng như tên gọi, chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, không thể là phương pháp áp dụng thường xuyên

8. Ngừa thai vĩnh viễn: thắt ống dẫn trứng hay ống dẫn tinh. Thắt ống dẫn trứng thất bại khoảng 0,5%, thắt ống dẫn tinh thất bại khoảng 0,15%

Đủ thứ phương pháp vậy đó, nhưng đọc kỹ lại đâu có biện pháp nào an toàn tuyệt đối đâu, nên có thai ngoài ý muốn cứ xảy ra. Mình lưu ý bạn, khả năng thất bại của các phương pháp ngừa thai tăng dịp tết có thể do:

– Vui xuân quá đà

– Uống rượu, bia…không kiểm soát 

– Bận rộn quá quên thuốc, quên ngày kinh

– Ăn uống nhiều gây tăng cân

– Các sự cố liên quan đến biện pháp ngừa thai, ví dụ tuột bao cao su…

B – Cần làm gì khi nghi ngờ mình có thai?

Điều đầu tiên – quan trọng nhất – khi bạn nghi ngờ mình có thai là đến ngay cơ sở y tế để khám và chẩn đoán xác định. Không cần đoán, không cần lo lắng, không cần hồi hộp và sống trong sợ hãi.

Vì bạn đang ngừa thai, nghĩa là nếu có thai là “thai ngoài ý muốn”. Khi xác định có thai, bạn cần lời giải đáp của ít nhất 3 câu hỏi

  1. Vị trí thai (trong hay ngoài tử cung), tuổi thai.
  2. Thai này bạn có muốn giữ không?
  3. Thai này có bị gì không? 

Câu số 1: bác sĩ khám cho bạn trả lời.

Câu số 2: bạn trả lời.

Câu số 3: mình trả lời

Bất kỳ thai kỳ nào, mong muốn hay không mong muốn, đều có sẵn nguy cơ dị tật. Nguy cơ này có thể tăng lên do nhiều nguyên nhân. Nên nếu bạn nói “bác sĩ phải chắc chắn rằng thai này là bình thường 100% thì em mới giữ” thì bác sĩ cũng chịu.

HƯỚNG XỬ LÝ PHÙ HỢP CHO MỖI LỰA CHỌN

Nếu không giữ thai, nên tư vấn trực tiếp với bác sĩ thăm khám và chọn phương pháp thích hợp. Nếu muốn giữ thai và lo lắng, thì đây:

– Đối với các biện pháp canh ngày giao hợp, xuất tinh ngoài âm đạo, bao cao su: khi có thai thì nguy cơ dị tật thai không cộng thêm so với nguy cơ sẵn có.

– Đối với biện pháp đặt vòng: khi có thai mà không thấy vòng, có khi là vòng bị tuột ra ngoài. Nếu còn vòng trong tử cung, có nguy cơ sẩy thai, sinh non, vỡ ối non…vì vậy khi còn vòng, khuyến cáo của Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ là lấy vòng nếu thấy dây hoặc vòng tuột thấp. Phương pháp này có khả năng gây sẩy thai, nhưng nếu không lấy vòng thì nguy cơ cho thai nhiều hơn. Thậm chí nhiều tài liệu cập nhật còn có biện pháp nội soi buồng tử cung lấy vòng nhưng mình chưa nghe ở đâu tại Việt nam có làm.

– Đối với thuốc ngừa thai: không đủ bằng chứng cho thấy thuốc ngừa thai làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Khi phát hiện có thai đương nhiên bạn phải ngưng dùng thuốc ngay lập tức.

– Que cấy tránh thai: tỷ lệ có thai cực thấp nên chưa thấy khuyến cáo.

KẾT LUẬN

Tóm lại, nếu muốn giữ thai, bạn cần khám thai định kỳ đúng hẹn và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tầm soát cho em bé.

Ngoài ra, đặt dụng cụ tử cung không là nguyên nhân gây thai ngoài tử cung (TNTC). Nên nếu từng bị TNTC, bạn vẫn có thể chọn đặt vòng để ngừa thai. Tuy nhiên, có thai khi đang đặt vòng có thể bị TNTC (đọc đoạn này kỹ nha), vì vậy, nhắc lại là bạn cần phải đến bệnh viện để khám khi nghi ngờ có thai. TNTC không thể uống thuốc phá thai như thai trong tử cung, có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Bạn phải đến cơ sở y tế uy tín khám, tính mạng mình là quan trọng nhất.

Chúc năm nay mấy “bé mèo” chào đời khoẻ mạnh, bình an!

P/S: cảm ơn bạn nếu share thông tin. Vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn giúp mình nếu copy.

Bài này mình không bàn gì về đạo đức xã hội, tôn giáo nha, bạn vui lòng đừng hỏi mình, cảm ơn!

C – Tài liệu tham khảo:

3.1 Link bài viết được dịch trên facebook P1

3.2. Link bài viết được dịch trên facebook P2

3.3. Contraceptive Use Among Women at Risk for Unintended Pregnancy in the Context of Public Health Emergencies — United States, 2016

3.4. Clinical challenges of long- acting reversible contraceptive methods – ACOG 2016

3.5. Tài liệu “Hướng dẫn ngừa thai 2016” của Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh (HOSREM)

3.6. Contraceptive Use Among Women at Risk for Unintended Pregnancy in the Context of Public Health Emergencies — United States, 2016

 

Biên dịch: Bs Lê Tiểu My – Biên tập : Minh Hằng Jk

- Advertisement -

Worldwide News, Local News in London, Tips & Tricks

- Advertisement -